BlogNewsReview

Book Review #1: Sóng Thần Công Nghệ (Phần 1)

Sóng Thần Công Nghệ (The Coming Wave) viết bởi Mustafa Suleyman và Michael Bhaskar, được xuất bản tại Mỹ vào 9/2023 và bản chuyển ngữ ra mắt tại Việt Nam đầu tháng 4/2024. Sau mấy tháng trời ngấu nghiến nội dung của tựa sách này, Chan xin viết đôi dòng review, chẳng may nhìn thấy bài này lúc bạn đang bận thì chỉ cần ghi nhớ một câu này thôi “Mua sách đi!”

Sơ lược về cuốn sách

Source: https://www.the-coming-wave.com/

Đầu tiên chắc chắn phải ngó sơ profile của tác giả, Mustafa Suleyman (1984), đồng sáng lập DeepMind – công ty con của Google chuyên nghiên cứu AI, đồng sáng lập Inflection_AI và hiện là CEO của Microsoft AI. Mustafa có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo.

Sóng Thần Công Nghệ có 14 chương, Chan tạm chia lại thành các nội dung chính như sau:
Chương 1 – 6: Hiểu về tiến bộ công nghệ và những lợi ích mà nó mang đến cho xã hội hiện nay. Đồng thời đề cập sơ những thách thức tương ứng
Chương 7 – 8: Hệ quả của sự phát triển công nghệ trên các phương diện rộng hơn như xã hội, chính trị và kinh tế.
Chương 9 – 11: Mối liên hệ không thể tách rời giữa công ty công nghệ và chính quyền (quản lý xã hội)
Chương 12 – 14: Dự đoán và đề xuất phương hướng kiểm soát công nghệ trong tương lai, bắt đầu từ bây giờ.

Một số khả năng của AI mà tác giả nhắc tới trong quyển sách nghe thì có vẻ xa xôi nhưng Chan tin rằng mọi điều Mustafa Suleyman chia sẻ trong đây là những thứ mà chính ông đã được trải nghiệm trong suốt những năm phát triển trí tuệ nhân tạo. Thực tế mọi công nghệ AI chúng ta đã và đang ứng dụng trong cuộc sống chỉ là bề mặt nổi của tảng băng trôi, nên nếu tin tưởng đón nhận những thứ chưa từng nhìn thấy mà tác giả đã đề cập sẽ giúp chúng ta né được những rủi ro bất ngờ với AI. Vì vậy dù bạn đã, hoặc chưa từng dùng bất kỳ tool hay phần mềm tích hợp AI nào, hay cho dù bạn chưa biết đến AI thì cũng nên đọc quyển sách này để có cho mình cái nhìn bao quát hơn về làn sóng công nghệ trong tương lai gần. Và nếu bạn chưa đọc, Chan cũng xin phép spoil một vài nội dung mà chính mình đúc kết được sau 14 chương của cuốn sách, tất nhiên Chan không dám nói mình hiểu được hết và cũng không chắc mình hiểu đúng, nhưng mình cứ viết lên cảm nhận cho cả nhà cùng thảo luận nhé!

Chương 1 – 6: Xem công nghệ như mẹ thiên nhiên

Tại sao lại gọi là ‘mẹ thiên nhiên’?
Sau khi đọc sách, Chan thầm nghĩ công nghệ giống như mẹ thiên nhiên, con người và thiên nhiên tác động qua lại lẫn nhau nhưng không ai làm chủ ai cả. Chúng ta có thể san bằng mấy chục héc ta cây, đốt rừng để làm nương rẫy, nhưng không sao ngưng được cháy rừng mùa nắng nóng. Tương tư, dù rạn san hô ở biển đã chết hết nhưng cũng không thể ngăn du khách xả rác xuống biển và các tàu đánh cá khai thác.
Với tác giả, làn sóng công nghệ là thứ không thể kiềm tỏa được, con người tạo nên công nghệ nhưng lại chẳng thể kiểm soát nó theo ý mình.
Làn sóng công nghệ đã được tiên đoán ngay trước khi nó xuất hiện, những làn sóng lặp đi lặp lại cuốn theo bao thăng trầm lịch sử, như làn sóng suy tàn của đế chế, mậu dịch thương mại, suy thoái kinh tế. Homo sapiens (loài người) không tạo ra những làn sóng, nhưng những làn sóng phát sinh theo sự phát triển của Homo sapiens, tạo nên những loài mới và thay đổi chính loài cũ, kể cả sapiens. Và cùng với sự mưu cầu về cuộc sống ngày càng tăng chứ không giảm của nhân loại, thì sự phát triển về công nghệ, Homo Technologicus (loài hậu nhân loại – loài vật công nghệ) là câu chuyện bắt đầu được viết tiếp.

Đọc Sóng Thần Công Nghệ, bạn sẽ được quay lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử loài người và cả loài vật công nghệ. Từ những chiếc máy chơi cờ đầu tiên đến trận đấu lịch sử năm 1997 khi mà Deep Blue (siêu máy tính) của IBM thắng kiện tướng cờ vua Gary Kasparov. Sau đó là sự ra đời của mạng CNN AlexNet (2012), bước ngoặc để cả thế giới phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển AI. Tiếp đến là Alpha Go (2016) – trí tuệ nhân tạo do DeepMind phát hành, ứng dụng các mạng nơ-ron để học và bắt chước có tình huống và AlphaZero (2017), khi Nhà phát hành bỏ đi Imitation Learning và cải tiến Monte Carlo để nó có khả năng tự học tuyệt vời không chỉ là bắt chước con ngừơi nữa.

Mustafa Suleyman không tuyên bố ‘thiên tai’ một cách ngẫu nhiên, ông dùng 6 chương đầu này để thuật lại sự phát triển của nhân loại và công nghệ, mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện về thời cục

Mọi người sẽ nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng, từ những vật thể có thể chạm được đến nguyên tử, đến bit, gen, con người ngày càng có khả năng làm chủ vật liệu, và khi chúng ta đã hiểu cách dùng, chúng ta sẽ bắt đầu ‘mix’, ‘nấu’ chúng .
Mọi người cũng sẽ biết được những câu chuyện tưởng chỉ có trong phim như việc một hệ thống máy học thuyết phục được một kỹ sư Google rằng nó là một con người hợp lệ và đứng lên đấu tranh giành nhân quyền cho nó.

Sóng Thần Công Nghệ không chỉ viết về AI, nó còn đề cập đến công nghệ sinh học, một đề tài thân thuộc hơn với tất cả mọi người, thiển như “làm sao để khôi phục thị lực thành công cho người mù?”, và “chỉnh sửa bộ gen để thoát khỏi bệnh tim di truyền”. Câu chuyện cuốn hút hơn khi tác giả kể về Máy in DNA, vẽ ra viễn cảnh mà chúng ta có thể tạo ra những thứ mình muốn chỉ bằng một bộ thiết bị và một vài ‘vật liệu’ đầu vào cơ bản.

Trong chương số 6, Mustafa Suleyman mở ra cánh cổng vào lĩnh vực điện toán lượng tử và sự chuyển hóa nguồn năng lượng tái tạo, mặc dù không đề cập quá sâu nhưng phần nào cho đọc giả thấy được sự phát triển vượt bậc của chúng và sẽ bùng nổ hơn nữa trong tương lai gần.

Mọi người thích những phát minh trong cuộc sống, giống như khi xe máy xuất hiện, con người vui mừng vì có thể đi hằng trăm dặm nhưng không ai nghĩ đến tương lai tai nạn giao thông lại là một trong những nguyên nhân gây chết người nhiều nhất. Công nghệ cũng tương tự, dù AI đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng cách đây 10 năm sẽ chẳng ai tin được có ngày mình sẽ nhờ một ‘chiếc máy’ viết hộ bài luận. Chẳng mấy chốc, nhà nhà đều sẽ dùng thứ gì đó có ứng dụng AI, giống như cách mà từ ‘đặc quyền’ của giới nhà giàu, xe máy trở thành phương tiện của vạn ngừơi lao động.
Một mặt AI và các công nghệ giúp con người có thể ứng phó với với các rủi ro hiện tại như biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn năng lượng,… Mặt khác lại phóng đại hóa những nguy cơ tiềm ẩn về mặt kinh tế, xã hội. Và rồi câu chuyện không bao giờ dừng lại, hệ quả sẽ xuất hiện và chúng ta thì sẽ không thể chối bỏ AI bởi những lợi ích mà nó mang tới, còn việc chúng ta có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực hay không thì khó mà xác định. Chương 1-6 của Sóng Thần Công Nghệ giúp ta mở tầm mắt rộng hơn để chạm đến những khả năng đằng sau những tác vụ hằng ngày mà AI tạo sinh đang hỗ trợ, tăng sự hiểu biết đồng thời cũng hình thành sự lo lắng về những viễn cảnh sau đó.

Vậy là xong review chương 1-6 của Sóng Thần Công Nghệ rồi ^^ Bài khá dài nên Chan sẽ để những chương còn lại ở phần sau vì Chan cũng không muốn ngâm bài quá lâu nữa (Chan viết từ hồi đầu tháng 8 :)) mà nhiều việc quá nên tạm hoãn tới tận giờ)
Nếu chưa có quyết định mua sách, cả nhà có thể nghe audio tóm tắt tại đây, có 7 ngày dùng free mà bản tóm tắt chỉ dài 25′ nên mọi người nghe thoải mái nhé ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *