Góc nhìn khác về Grooming, Silent Treatment,… – Liệu bạn có đang lạm dụng và sử dụng sai thuật ngữ?
Chừng một năm trở lại đây, những thuật ngữ như Grooming, Silent Treatment,..trở thành chủ đề được bàn tán khá sôi nổi trên MXH tại Việt Nam. Song đó là một loạt định nghĩa, câu chuyện đời thực tương ứng với các thuật ngữ được lan truyền khiến chúng ngày càng được mọi người quan tâm. Tuy nhiên, khi đọc bất cứ content nào nói về vấn đề này thì bạn đọc cũng phải thật sự tỉnh táo vì nếu không, bạn sẽ quy chụp tất cả các hành vi “cho bạn cảm giác bị tổn thương” thành lạm dụng và thao túng tâm lý.
Lạm dụng và dùng sai thuật ngữ cho các hành vi “thao túng”
Đầu tiên, lướt qua các bài về định nghĩa của Grooming và Silent Treatment gần đây mà Chan đọc, có thể thấy mọi người càng có nhận thức về các loại hình thao túng tâm lý. Những nội dung kiểu này cũng có phần giúp nhiều người cảnh giác và biết bảo vệ bản thân mình hơn trước những đối tượng xấu muốn thông qua thao túng tâm lý để đạt được các mục đích như bóc lột, lạm dụng,…
Nhưng thực tế, bản thân những thuật ngữ này rất khó để định nghĩa, ví dụ như Grooming bản chất là những hoạt động tiền đề nhằm mục đích tạo dựng lòng tin và đưa nạn nhân vào trạng thái bị lạm dụng một cách tự nhiên. Silent treatment là hành động phớt lờ sự tồn tại của đối phương và từ chối giao tiếp hay phản hồi bất cứ thứ gì của họ, khiến mọi nỗ lực gắn kết giữa hai người đứt gãy và khiến nạn nhân cảm thấy nghi ngờ, tự trách bản thân. Nhưng mọi người phải hiểu, những dấu hiệu đề cập trong các thuật ngữ trên có phải là hành vi thao túng hay không phụ thuộc vào việc người thực hiện có chủ đích xấu hay không, và thật sự rất khó để xác định, vì suy nghĩ bên trong con người không ai có thể đoán chắc được. Những hành vi của grooming như tìm hiểu kỹ về đối phương, tặng quà, quan tâm,…và sự im lặng khi có tranh cãi của silent treatment cũng là những hành vi tương tác xã hội bình thường và đôi khi chúng được thực hiện với mục đích tốt.
Khi tiếp xúc với hàng loạt content liên quan đến những thuật ngữ này, với những ai đang buồn hay suy nghĩ tiêu cực, họ thường có xu hướng đổ lỗi và đóng vai nạn nhân bị thao túng tâm lý chứ không khai thác sâu vào vấn đề của chính mình. Thực tế là tất cả chúng ta đều có khả năng làm tổn thương người khác ngay cả khi chúng ta không có ý định làm vậy, nhưng so với việc thành thật với chính mình là lỗi một phần do bản thân thì việc đổ hết cho người khác sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Thoát khỏi định nghĩa chung, tự tìm giải pháp cho bản thân
Chan nghĩ khi bất cứ hành vi gì của người khác mà gây nên những cảm xúc tiêu cực cho bạn thì hãy hạn chế xem những nội dung ‘chữa lành’, việc đầu tiên bạn nên làm là xem xét lại cả một quá trình dẫn tới hành vi đó. Có rất nhiều nguyên do như tính cách vốn có, tâm trạng và những suy nghĩ bên trong con người dẫn tới hành động của họ.
Tiếp theo là nghiên cứu những trường hợp tương tự, nạp kiến thức và tiếp thu ý kiến của mọi người xung quanh để bạn có nhiều góc nhìn hơn và không bị “che mờ mắt” bởi tình cảm.
Sau cùng, giữ lại cho riêng mình những hiểu biết về hành vi thao túng tâm lý và quan điểm của người khác, kết hợp với tình huống của mình và nghĩ xem bạn sẽ làm gì với nó. Thương thảo; nhắn tin giải bày tâm trạng; nhờ người làm trung gian để giải quyết; chấp nhận; sửa lỗi; phản đòn… có nhiều phương án và kế hoạch để giúp cả hai thoát khỏi tình trạng ‘tổn thương’. Nhưng nếu bạn chỉ lên mạng hỏi ý kiến và lướt clip chữa lành thì hầu hết đáp án bạn nhận được sẽ là cắt đứt mối quan hệ làm cho bạn đau khổ. Tất nhiên, Chan sẽ không phủ nhận đây là một giải pháp tồi, chỉ là nếu bạn không xác định được vấn đề cốt lõi mà cắt đứt nhanh chóng một mối quan hệ thì bạn sẽ mãi đau khổ thôi, nỗi đau của mình đôi lúc lại đến từ chính mình.
Bị thao túng tâm lý, lỗi ở “nạn nhân” hay “hung thủ”
Phần này chỉ là phụ và không quá liên quan đến bài viết ^^ Chan muốn đề cập tới thái độ của một số cá nhân khi nhắc đến những vụ lừa đảo, bóc lột, lạm dụng,… thì sẽ bảo là do nạn nhân ham giàu, ham sắc,… Bên cạnh đó dịch vụ test người yêu cũng ngày càng phát triển, cá nhân Chan xem đó cũng là chuỗi hoạt động thao túng tâm lý nhằm đạt đến mục đích vạch trần bộ mặt tội lỗi của người khác và khi con mồi phạm lỗi, cả hội đồng sẽ đứng lên xét xử.
Thực tế là ai cũng có mặt tốt mặt xấu cả, mỗi người được giáo dục để hạn chế những cái xấu và phát triển những cái tốt nhưng không có nghĩ là mặt xấu sẽ biến mất hoàn toàn. Vì vậy nếu mọi người cố tình gợi mặt xấu của người khác thì sẽ làm được thôi, vì nó vốn hiện hữu mà.
Nhiều người nghiên cứu về tâm lý hoặc có trải nghiệm trong quá khứ mang đến cho họ kỹ năng thấu hiểu tâm lý con người, thì lại càng thích lợi dụng những điểm yếu trong tâm lý để trục lợi hoặc đùa vui, và kết thúc với những câu nói buộc tội ngược lại ngừơi bị thao túng.
Tâm lý con người vốn rất mong manh, nó là thứ không được lập trình theo một model sẵn, tâm lý (tâm trí và hành vi) của một người được xây dựng dựa trên quá trình trưởng thành, và vì nó được xây dựng nên cũng dễ bị đạp đổ, miễn là bạn tìm đúng cách cho đúng người. Vì vậy, cá nhân Chan cho rằng càng hiểu về tâm lý con người thì chúng ta càng không nên khai thác những mặt tối của nó để thử thách hay vui đùa, mà hãy giúp giữ nó “ngay ngắn” và mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, không phải tất cả các hành vi thao túng tâm lý đều xấu, đôi lúc nó còn được gọi với cái tên đẹp hơn là “liệu pháp tâm lý”, nên mọi người cũng đừng nhạy cảm quá mức với mấy hành vi tựa tựa grooming hay silent treatment. Nhận thức để bảo vệ bản thân nhưng đừng nghĩ tiêu cực cho tất cả trường hợp.
Có một câu của Friedrich Nietzsche mà Chan khá thích đó là
Whoever fights monsters should see to it that in the process he does not become a monster. And if you gaze long enough into an abyss, the abyss will gaze back into you.
Câu này bạn có thể hiểu nó theo nhiều nghĩa và cho nhiều trường hợp, riêng vế “if you gaze long enough into an abyss, the abyss will gaze back into you”, mọi người nên ngẫm về nó trước khi có ý định dùng những thủ thuật tâm lý để làm bất cứ chuyện gì, dù là đọc vị, thao túng hay đơn giản chỉ để tìm hiểu bản chất của đối phương, và cả khi dùng thủ thuật đó lên chính bản thân như kiểu manifest.
Ok hết bài rồi ạ ^^
Nếu hứng thú cả nhà có thể tìm hiểu thêm về những nội dung liên quan đến ‘thao túng tâm lý’ hoặc ‘tâm linh’ tại đây nha, nhớ giữ cái đầu lạnh khi đọc nhé ^^