BlogNews

Mời người lạ uống cà phê – Vì lạ nên dễ chia sẻ?

Hôm qua Chan đọc được một bài khá hay, đó là kể từ cuối năm 2022, trào lưu “Mời 100 người lạ uống cà phê” đã bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng. Ngày càng có nhiều người bắt đầu tự tổ chức những hoạt động tương tự, và tại sao việc này lại trở thành xu hướng? Hãy cùng Chan tìm hiểu thử nhé!

Trào lưu “Uống cà phê cùng người lạ”

Uống cà phê cùng người lại đang là trào lưu ở Trung Quốc
Uống cà phê cùng người lại đang là trào lưu ở Trung Quốc

Uống cà phê với người lạ, “lạ” chính là điều hấp dẫn ở của việc này, bạn không bao giờ biết câu chuyện của người khác sẽ làm bạn thay đổi ra sao, thậm chí thay đổi bạn như thế nào. Chẳng hạn như Chan, một người cực kỳ thích đi nghe người khác nói, nghe câu chuyện của họ, nghe quan điểm của họ về tất cả mọi điều diễn ra xung quanh (giống kiểu xem nhân sinh quan của người khác để củng cố nhân sinh quan của mình vậy ^^)

Người khởi xướng hoạt động này – 小布 (Xiaobu) kể rằng có lần nói chuyện với 1 người đàn ông trong một quán cà phê ở Thượng Hải và người đó đã tâm sự về sở thích bí mật là thích trang điểm như phụ nữ. Sở thích này thật sự rất khó chia sẻ với những người thân thuộc, nhưng trước một người lạ lần đầu gặp mặt thì lại dễ dàng đến bất ngờ.

Ban đầu, Xiaobu khởi xướng hoạt động “Mời 100 Người Lạ Uống Cà Phê” với mục tiêu muốn trò chuyện với người khác về chủ đề cái chết. Lý do đơn giản là vì cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và mặc dù đã phẫu thuật nhưng trải nghiệm này đã làm cho cô thay đổi quan điểm về cái chết. Tuy nhiên, Xiaobu nhận thấy rằng, có rất ít người bạn “cà phê” muốn trò chuyện về cái chết với cô. Dẫu vậy, việc trò chuyện với nhiều người vẫn mang đến những góc nhìn mới lạ mà Xiaobu chưa từng biết đến. Cô thấy rằng Gen Z thường biết rõ hơn về việc họ muốn gì, thích gì, và họ “không sợ trò chuyện về chủ đề cái chết” so với các thế hệ khác. Cách Gen Z tiếp cận vấn đề rất khác biệt so với Xiaobu khi còn trẻ. Cô cũng nhận ra rằng nhiều người đang phải trải qua thời gian thất nghiệp khó khăn và thế hệ sinh sau năm 1980 đang phải gánh nhiều áp lực, cũng vì thế mà cô tạo nhiều buổi cà phê trò chuyện với nhóm này hơn.

Tương tự, Wang Xiaolong, người đã sống “xa nhà” ở Thượng Hải suốt gần 10 năm, đã trải qua hơn nửa năm thất nghiệp và vào tháng 5/2023 anh quay về quê hương. Khi sống và làm việc tại Thượng Hải, Wang Xiaolong hầu như chỉ gặp một vài đồng nghiệp ở nơi làm việc , cộng thêm việc không giỏi giao tiếp xã hội khiến anh cảm thấy mình dần trở nên chán nản.

Sau khi biết về hoạt động “Mời 100 Người Lạ Uống Cà Phê” , Wang Xiaolong đã cố gắng vượt qua cảm giác ngại ngùng và thử làm theo. Lần đầu của anh là 1 anh chàng đồng lứa, họ đã nói chuyện suốt 2 tiếng rất thoải mái. Sau đó anh nhận ra không cần lo lắng quá nhiều về việc lựa chọn người để cà phê nói chuyện nữa, chỉ cần gặp và nói chuyện với họ thôi, bởi cuối cùng, anh ấy không mất gì cả. Sau ba lần gặp gỡ với người lạ để uống cà phê, góc nhìn của anh về thế giới đã thay đổi, cảm thấy gần gũi hơn kể cả với những người lạ trên đường.

Và Chan nghĩ rằng đây sẽ là 1 concept rất hay để các cửa hàng thức uống, quán ăn khai thác cho hoạt động kinh doanh cũng như truyền thông của mình. Bởi rằng không chỉ Trung Quốc, mà ở Việt Nam cũng có rất nhiều người có nhu cầu được chia sẻ, trò chuyện.
Bạn không cần lo lắng về việc mình không đủ mạnh mẽ, không đủ thời trang, không đủ giàu có. Bạn chỉ cần là chính mình và bắt đầu hành trình uống cà phê cùng 100 người^^

Lợi ích của việc nói chuyện với “người lạ”

Trò chuyện cùng người lạ ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào

Nói chuyện với người lạ thường dễ hơn vì nó đem lại một loạt lợi ích xã hội và sự thoải mái trong tâm lý. Khi gặp một người lạ, không có áp lực phải duy trì mối quan hệ hoặc kỳ vọng lớn, điều này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn trong việc chia sẻ và trò chuyện. Chúng ta tự do tương tác mà không phải lo lắng về sự đánh giá hay những hậu quả lâu dài. Ví dụ, trong các hoạt động gặp người lạ như “Mời 100 Người Lạ Uống Cà Phê,” người tham gia thường không có mục tiêu quá cao, và điều quan trọng là trải nghiệm thú vị từ việc kết nối với những người mới.

Mặc dù trào lưu ở Trung Quốc vốn chỉ là nói chuyện cùng người lạ mà không phải bác sĩ tâm lý cụ thể nào nhưng vẫn tạo nên hiệu quả rất tốt. Điều này cho thấy rằng những thế hệ sau này, ngày càng đơn độc và ít được lắng nghe cũng như chia sẻ. Có những rào cản nhất định khi chúng ta nói chuyện với ba mẹ, anh chị em, phải chăng do mọi người quá bận? Không, chỉ là chúng ta chưa biết cách lắng nghe nhau thôi. Nhưng, mình nghĩ nếu như chúng ta nói chuyện đủ nhiều với những “người lạ” thì lúc quay lại nói chuyện với chính gia đình của mình sẽ dễ hơn rất nhiều đấy, bởi vì giao tiếp là một kỹ năng có thể cải thiện nhờ rèn luyện thường xuyên mà ^^

Chan và ba mẹ rất hay “cãi nhau”, ngày xưa mình gọi là cãi, bây giờ thì không, bởi vì mình hiểu người nhà hay người yêu, bạn bè không đồng nghĩa với việc chúng ta phải giống hệt nhau về cách suy nghĩ, hành vi. Chúng ta học cách nhìn nhận sự khác biệt giữa mình và mọi người một cách tích cực nhất có thể, bởi rằng sau nhiều lần “cãi nhau”, ba mẹ vẫn thương yêu dù rằng lúc mắng cũng dữ dằn lắm ^^, sau những cái bất đồng quan điểm với người yêu, bạn bè thì miễn là 2 bên làm huề, thì đâu cũng lại vào đấy.
Vậy làm sao để có thể suy nghĩ tích cực như vậy? – Hãy trò chuyện và lắng nghe mọi người thật nhiều nhé. Đôi lúc bạn sẽ gặp những người khác biệt với mình, đừng vội khó chịu mà hãy bình tĩnh nhìn nhận sự khác biệt đó. Và nếu cảm thấy quá khó chịu với điều đó, bạn hãy nhẹ nhàng tránh tiếp xúc nhiều với họ để giữ sự yên bình giữa 2 bên. Tuy nhiên Chan cũng không cổ xúy rằng bạn nên tránh hết tất cả những ai không cùng quan điểm, bởi chúng ta cũng cần học hỏi từ những người khác để có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về mọi vấn đề xung quanh mình.
Có một điều mình mong và hy vọng tất cả mọi người đều nên nhận ra sớm nhất có thể đó là “Healthy relationships include uncomfortable conversations”
Và để duy trì những cuộc nói chuyện có phần không thoải mái thì bạn cũng cần tập vài skills hay nguyên tắc sau đây
1. Maintain the Love first and foremost
2. No matter what happens always reassure your family/friend/partner that you love him/her
3. Always communicate and resolve differences early on
4. Do not go to bed angry

Vậy nên hãy cố gắng lắng nghe và chia sẻ với tất cả mọi người trong khả năng của bản thân nhé!

Trò chuyện là một liệu pháp chữa lành

“Liệu pháp trò chuyện” là một phương pháp trong tâm lý học và tâm lý trị liệu, sử dụng việc trò chuyện để phân tích và giải quyết các vấn đề cá nhân. Loại trò chuyện này thường được xây dựng trên tinh thần hỗ trợ, quan tâm, và mở lòng. Nó bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ, tư duy, quan sát, sự hiểu biết sâu rộng, giải thích và kết nối.

Những cuộc trò chuyện trị liệu có thể xoay quanh quá khứ, hiện tại và tương lai, bao gồm cả hy vọng, mục tiêu, nhu cầu và mong muốn. Đặc biệt, nó tập trung vào việc xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và khám phá suy nghĩ cũng như cảm xúc của người tham gia. Trong quá trình này, chúng ta sẽ tập hỏi han về niềm tin của người khác về bản thân họ, người khác và thế giới xung quanh.

Thông qua liệu pháp trò chuyện này, chúng ta học cách hiểu rõ hơn về bản thân và các vấn đề cá nhân, cũng như cách điều chỉnh hành vi, thay đổi cách suy nghĩ và nâng cao khả năng quản lý cảm xúc. Chúng ta tích luỹ kiến thức và kỹ năng để cải thiện các mối quan hệ và sử dụng hiểu biết sâu sắc để sống một cuộc sống tự tin hơn và tìm được bình yên nội tâm.

Đối với nhịp sống vội vã hiện tại, đôi lúc rời xa điện thoại, làm một ly cà phê rồi tán dóc với ai đó có khi lại hay. Nếu đủ can đảm, có khi Chan cũng tổ chức “Mời 10 người lạ uống cà phê”, bạn tham gia không?
Update Tháng 5/2024: Chan hoàn thành project mời 10 người lạ uống cà phê rồi nha ^^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *