Vài dòng quan điểm về Giáo dục theo Chủ nghĩa ‘Cầu Toàn’
Vừa qua, Chan tham dự họp phụ huynh cho em gái, cũng là ngày biết kết quả học tập năm cấp 3 đầu tiên của Bạn ấy. Ngạc nhiên khi có nhiều bạn trong lớp đạt Khá, không phải do điểm thấp, mà do chưa đạt điều kiện đủ để công nhận Giỏi, là có đủ hoặc hơn 6 môn điểm trung bình trên 8,0.
Khi nghe cô nói về nguyên do không đạt thì thật sự Chan cũng có khá nhiều suy nghĩ nảy ra trong đầu, rồi tự đặt câu hỏi rằng: “Liệu giáo dục có nên theo hướng chủ nghĩa Cầu toàn hay không?”
Chủ nghĩa Cầu toàn là gì?
Để hiểu về giáo dục theo chủ nghĩa cầu toàn, Chan sẽ giải thích sơ lược về khái niệm chủ nghĩa cầu toàn.
Chủ nghĩa cầu toàn hay còn gọi là chủ nghĩa hoàn hảo (perfectionism) là một đặc điểm tính cách mà một người đặt ra các tiêu chuẩn cực kỳ cao và không chấp nhận bất kỳ điều gì thấp hơn sự hoàn hảo theo tiêu chuẩn của chính người đó hoặc tiêu chuẩn bậc cao của xã hội. Đây là một khái niệm phức tạp, có thể được hiểu và đánh giá theo nhiều cách khác nhau, và có thể mang lại cả lợi ích và tác hại.
Đặc Điểm Của Chủ Nghĩa Cầu Toàn
- Tiêu chuẩn cao: Người cầu toàn thường đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho bản thân và người khác. Họ luôn cố gắng để đạt được sự hoàn hảo trong mọi công việc.
- Tự chỉ trích: Khi không đạt được những mục tiêu đề ra, họ thường tự chỉ trích và cảm thấy không hài lòng với bản thân.
- Sợ thất bại: Sợ thất bại và cảm giác xấu hổ khi không đạt được mục tiêu là những đặc điểm phổ biến ở người cầu toàn.
- Tập trung vào chi tiết: Người cầu toàn có xu hướng tập trung quá mức vào các chi tiết nhỏ và dành nhiều thời gian để hoàn thiện chúng.
Lợi Ích
- Động lực mạnh: Đặt ra các tiêu chuẩn cao có thể tạo động lực mạnh mẽ để người ta nỗ lực hơn và đạt được kết quả tốt hơn trong công việc và học tập.
- Thành tích cao: Những người cầu toàn thường đạt được thành tích cao hơn nhờ vào sự cố gắng và kiên trì của họ.
Tác Hại
- Lo lắng và Căng thẳng: Áp lực để đạt được sự hoàn hảo có thể dẫn đến mức độ lo lắng và căng thẳng cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.
- Trì hoãn: Nỗi sợ thất bại và cảm giác rằng công việc chưa đủ hoàn hảo có thể dẫn đến tình trạng trì hoãn.
- Mất cân bằng cuộc sống: Việc cầu toàn có thể khiến bạn dành quá nhiều thời gian cho công việc hoặc học tập mà bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống như gia đình và sức khỏe cá nhân.
Xu hướng áp dụng Chủ nghĩa Cầu toàn trong giáo dục
Cá nhân Chan khi biết có điều kiện đủ để nhận danh hiệu Học sinh Giỏi đã tự hỏi rằng tại sao có rất nhiều môn học, nhưng học sinh muốn có danh hiệu Giỏi lại không thể lấy môn giỏi bù môn yếu. Tại sao tụi nhỏ phải cố gắng chạy đua việc giỏi một cách toàn diện như vậy?
Tự hỏi thì tự Chan cũng nghĩ ra một vài câu trả lời có vẻ hợp lý cho bản thân. Đầu tiên, xét về ưu điểm của điều kiện đủ này là giúp hạn chế được tình trạng học bạ giỏi tràn lan nhưng học lực thực tế chưa đủ, yêu cầu khắt khe hơn thì việc chọn lọc nhân tài cũng dễ dàng hơn. Thứ hai, việc không còn phân loại học sinh theo 4 mức: giỏi, trung bình, yếu kém; mà thay bằng: tốt, khá, đạt, chưa đạt; thật sự khiến cho áp lực danh hiệu giảm đi nhiều.
Việc hướng đến sự hoàn hảo là tốt tuy nhiên suy nghĩ “thành tích học tập phải giỏi thì mới tốt” lại khiến nhiều bậc phụ huynh và cả chính bản thân giới trẻ tự tạo nên những áp lực vô hình và kỳ vọng một cách phi lý. Tìm hiểu thêm thì Chan nhận thấy việc áp dụng chủ nghĩa cầu toàn vào giáo dục thường hay xảy ra ở các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung, và ngày càng trở thành xu hướng khó cưỡng.
Các quốc gia Châu Á thường có nền văn hóa đề cao thành tích học tập và sự hoàn hảo. Gia đình và xã hội đặt kỳ vọng cao vào học sinh, dẫn đến áp lực phải đạt được thành tích xuất sắc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng sự cầu toàn trong giáo dục phản ánh các giá trị văn hóa và xã hội nơi mà thành công trong học tập được coi là con đường chính để đạt được địa vị và cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Hệ thống giáo dục trong khu vực Châu Á thường tập trung vào thành tích học tập và kết quả thi cử, dẫn đến áp lực phải đạt điểm số cao và giỏi từ A-Z đủ loại môn. Sự cạnh tranh khốc liệt trong các kỳ thi và quá trình tuyển sinh cũng là một yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa cầu toàn, bởi điểm và yêu cầu thành tích đầu vào của các trường Đại học top đầu, nhìn chung chỉ có xu hướng tăng chứ không giảm.
Và không chỉ Châu Á, trên thế giới, một nghiên cứu khảo sát 41,641 sinh viên tại Mỹ, Anh, Canada được công bố trên tạp chí Psychoological Bulletin® cho thấy các thế hệ sinh viên đại học ngày nay có chỉ số cầu toàn tăng hơn thế hệ trước và được phân loại theo 3 dạng: Người cầu toàn với chính bản thân tăng 10%; Người cầu toàn do chịu sự áp lực từ xã hội và người xung quanh tăng 33%; Người áp đặt suy nghĩ cầu toàn với người khác tăng 16%.
* Trong nghiên cứu này, tác giả chính Thomas Curran của Đại học Bath và đồng tác giả Andrew Hill của Đại học York St. John đã phân tích tổng hợp dữ liệu từ 41.641 sinh viên đại học ở Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh. Họ sử dụng Thang đo chủ nghĩa hoàn hảo để đánh giá những thay đổi mang tính thế hệ về chủ nghĩa hoàn hảo (chủ nghĩa cầu toàn) từ cuối những năm 1980 đến năm 2016. Trong quá trình phân tích tổng hợp, Curran và Hill đã nghiên cứu và phân loại theo ba loại chủ nghĩa cầu toàn:
+ Chủ nghĩa cầu toàn tự định hướng : Áp đặt mong muốn phi lý để trở nên hoàn hảo cho bản thân.
+ Chủ nghĩa cầu toàn theo định hướng khác : Đặt những tiêu chuẩn hoàn hảo phi thực tế lên người khác.
+ Chủ nghĩa cầu tòan do xã hội quy định : Bị kỳ vọng quá mức về sự hoàn hảo từ xã hội và người khác.
Việc cầu toàn trong giáo dục nảy sinh từ sự kết hợp chế độ trọng dụng nhân tài và giáo dục, học sinh sinh viên ở những nước đề cao giáo dục cầu toàn, trung bình vượt trội hẳn trong khu vực và trên trường quốc tế.
(Đoạn sau Chan xin phép tham khảo ~85% của một đoạn trong nghiên cứu về Perfectionism của Thomas Curran và Andrew P. Hill, tham khảo bài tại đây)
Trong khi giáo dục hàng ngàn năm đã cố gắng tìm cách để nâng cao kỹ năng, kiến thức và gầy dựng nhân sinh quan tốt đẹp bằng cách tự nhiên nhất có thể. Thì Chế độ nhân tài lại vô hình trung mang đến thông điệp rằng kiến thức và kỹ năng không có giá trị trừ khi chúng mang lại lợi ích kinh tế.
Và khi những kì vọng về tương lai “tươi sáng”, “giàu có”, “địa vị xã hội cao” cho giới trẻ tăng, những yêu cầu mà gia đình & xã hội thông qua giáo dục để đặt ra cho các em càng nặng.
Cầu toàn một cách tích cực
Song, Chan lại tự hỏi (hay hỏi lắm :)))) “Giỏi bao nhiêu là đủ”, bởi chắc ai cũng biết cụm “lòng tham không đáy”. Việc chúng ta cố gắng mỗi ngày là đều đương nhiên, cầu toàn cũng không có gì đáng chê trách nhưng giỏi bao nhiêu là đủ? Liệu lúc nào giỏi toàn diện cũng là tốt?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chủ nghĩa cầu toàn có liên quan đến bệnh tâm thần, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn ăn uống (Brenna M. Williams, Cheri A. Levinson, 2020) và có liên quan cao đến hành vị tự tử (Hewitt, PL, Flett, GL và Turnbull-Donovan, W,1992).
Tất nhiên việc cầu toàn không hoàn toàn là nguyên do chính khiến sức khỏe tinh thần suy giảm mà do hàng loạt các ‘tệp đính kèm’ như cẳng thẳng, tự trách bản thân, áp lực trong thời gian dài. Vì vậy muốn cầu toàn một cách lành mạnh thì chúng ta nên cố gắng hướng đến cầu toàn thích ứng (adaptive perfectionism), tức đặt ra các mục tiêu cao và tiêu chuẩn cá nhân cao rồi phấn đấu để đạt được nó nhưng vẫn duy trì tâm thế hài lòng với cố gắng, hiệu suất, khả năng của mình.
* Tham khảo bài về Chủ nghĩa cầu toàn thích ứng và Chủ nghĩa cầu toàn không thích ứng, để hiểu như thế nào là cầu toàn tốt! tại đây
Kỳ vọng của cha mẹ là một phần thiết yếu của kết quả, những lời chỉ trích, kỳ vọng khắt khe và việc “phải như thế này, thế kia” nhưng lại thiếu sự đồng cảm và thiếu hành vi làm gương, thường thúc đẩy những mặt tiêu cực của cầu toàn.
Theo quan điểm của Chan, tâm thế của người trẻ sẽ được tôi luyện tốt nhất bằng sự thấu hiểu, đồng hành của gia đình và những người thân thiết xung quanh. Vì vậy để các em có thể vừa thích ứng yêu cầu cao từ xã hội, vừa duy trì sức khỏe và tinh thần tốt đẹp thì bậc phụ huynh nên có cái nhìn rộng hơn về việc giáo dục và có hành vi cũng như thái độ hợp lý.
“Tiền tài”, “địa vị”,… là những thứ Xã hội trả cho những ai mang đến thứ Xã hội cần, một nơi đề cao thành tích thì chỉ có thành tích cao mới được ưu ái, nhưng gia đình không nên là nơi như vậy. Việc bị cha mẹ chỉ trích khi thành tích không tốt sẽ khiến các bạn trẻ tự định giá trị của bản thân thông qua thành tích, nếu ở trường thì là danh hiệu giỏi còn đi làm sẽ là kết quả và khối lượng công việc. Từ đó các bạn có định nghĩa sai lệch về hạnh phúc và không thể tự xác định thứ bản thân mong muốn mà chỉ tập trung hài lòng xã hội và người khác.
Một vài điều mà Chan nghĩ sẽ giúp thúc đẩy sự cầu toàn tích cực:
- Khuyến khích và động viên các bạn thay vì chỉ trích. Tạo ra một môi trường mà bạn cảm thấy an toàn và được yêu thương bất kể kết quả học tập
- Lắng nghe những khó khăn và áp lực mà bạn đang phải đối mặt để bạn cảm thấy được chia sẻ và không cô đơn trong hành trình học tập
- Tìm cách đặt mục tiêu cụ thể và thực tế, giúp bạn xây dựng cách học tập phù hợp với chính bản thân, và từng bước cải thiện mà không cảm thấy quá áp lực
- Giúp bạn nhìn nhận thất bại là một phần của quá trình học tập và phát triển, thay vì một điều gì đó đáng sợ hay đáng xấu hổ. Vì vậy thất bại thực chất là một cơ hội để học hỏi và phát triển
- Cuối cùng, hãy hiểu rằng sự phát triển toàn diện tức sự hoàn hảo thật sự sẽ bao gồm cả kỹ năng sống, thể chất và tinh thần, không chỉ đơn thuần là điểm số trong học tập
Có rất nhiều cách phát triển bạn có thể chọn ngoài việc vùi đầu vào học. Không phải tự nhiên mà các phương pháp Experiential Learning nổi tiếng. Bản thân Chan cũng áp dụng hướng trải nghiệm cho Bạn nhỏ và thật sự thấy cách này mang lại những kết quả tích cực.
Chan biết để thay đổi tư duy của một người trưởng thành rất khó nên hy vọng các bạn trẻ như em gái Chan có thể hiểu được và tự xây dựng cho mình tâm lý mạnh mẽ đủ để “đề kháng” với những sự tiêu cực. Ít nhất các em có thể hiểu được chính mình, lắng nghe góp ý nhưng cũng biết chọn lọc những ý phù hợp để cải thiện những điểm chưa tốt. Còn đối với những mong muốn cao xa hơn, các em hãy cân nhắc khả năng, thời gian và hoàn cảnh hiện tại. Ở bất kỳ lúc nào các em đều có quyền lựa chọn, một là thay đổi, hai là chấp nhận, ba là từ bỏ.
Đôi dòng gửi Bạn T
Dù danh hiệu giỏi khá ra sao, nhưng bạn tự biên đạo flashmob cho lớp và được giải nhất. Bạn đã tự kiếm tiền nhờ đi show hát nhảy, bán bánh tráng :)) dù không nhiều nhưng là tự lập sớm hơn cả mình. Bạn đi đâu cũng có bạn bè, anh chị yêu mến. Hơn ai hết dù không đạt kết quả như ý nhưng Bạn luôn là người cố gắng để tốt hơn đợt sau vì Bạn không thích kém (này bị cầu toàn ^^). Với mình Bạn luôn là “perfect person”, trừ lúc Bạn không phụ việc nhà thôi.
Hy vọng Bạn tập trung vào thứ làm bạn hạnh phúc và trên hành trình này nếu thấy mệt thì biết dừng lại nghỉ ngơi nha Bạn!
Đọc thêm: Cải thiện khả năng đọc và viết tiếng Nhật tại nhà bằng ebook